Tại hội thảo Dấu ấn ung thư - công cụ hữu ích trong quản lý bệnh nhân ung thư, GS Rafael Molina, Chủ tịch Hội Ung thư và Dấu ấn Sinh học quốc tế cho biết, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới.
3 người tử vong mỗi phút
Trong vài thập kỷ trở lại đây, cứ 5 người chết vì ung thư thì có 1 người mắc ung thư phổi.
“Hiện có khoảng 1,8 triệu người trên thế giới mắc mới ung thư phổi mỗi năm, trong đó 1,6 triệu người tử vong, tương đương mỗi phút trôi qua có 3 người chết vì căn bệnh này. Con số này nhiều hơn tổng số tử vong 3 loại ung thư vú, tuyến tiền liệt và đại trực tràng”, GS Molina nhấn mạnh.
Tổ chức Y tế thế giới lo ngại, tình trạng ung thư phổi có khả năng diễn biến nghiêm trọng hơn với khoảng 10 triệu người tử vong và 15 triệu mắc mới mỗi năm.
Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 22.000 ca mắc mới ung thư phổi, trong đó gần 20.000 ca tử vong, chiếm tỉ lệ tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở nam giới.
Ước tính đến năm 2020, số mắc mới ung thư phổi ở cả hai giới tại Việt Nam là hơn 34.000 người mỗi năm.
Theo GS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học - Hạt nhân Ung bướu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, nếu được phát hiện sớm, nhiều trường hợp ung thư phổi khỏi hoàn toàn nhờ những cuộc cách mạng trong chẩn đoán, điều trị.
“Ung thư phổi rất hay di căn vào hạch, xương và não. Ngày xưa, di căn não là tử vong ngay nhưng giờ đã có phẫu thuật bằng dao gamma quay rất hiệu quả”, GS Khoa chia sẻ.
Đáng tiếc, có tới 70% bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, dẫn đến điều trị rất khó khăn, thời gian sống thêm không nhiều.
Cụ thể, khả năng sống thêm 5 năm với ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ khoảng 6%, ung thư phổi tế bào lớn khoảng 18%, trong khi con số này ở bệnh nhân ung thư vú là trên 80%.
Xét nghiệm máu để phát hiện sớm ung thư
GS Molina cho biết, các biểu hiện sớm của ung thư phổi như ho, tức ngực, khó thở, ho ra máu... không phải là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh.
Để chẩn đoán, các bác sĩ áp dụng phương pháp phổ biến là chụp CT nhưng vẫn có tới 20-40% bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm do dương tính giả.
Phương pháp này phải được lặp lại định kỳ 1,5 năm/lần với chi phí đắt đỏ.
Do đó, hiện nay có nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã bắt đầu áp dụng hướng đi mới là xét nghiệm dấu ấn sinh học (dùng các chất chỉ điểm) để phát hiện sớm ung thư.
Theo GS Molina, tại đất nước Tây Ban Nha của ông, người dân bình thường sẽ làm xét nghiệm dấu ấn sinh học định kỳ 1 năm/lần với ung thư phổi.
Những đối tượng có nguy cơ cao như người hút thuốc, kể cả hút thuốc thụ động, gia đình có người thân (bố, mẹ, anh, chị, em) bị ung thư phổi, làm việc trong môi trường có nguy cơ tiếp xúc với các chất gây ung thư... cần xét nghiệm dày hơn, tuỳ thuộc vào độ tuổi. Tuổi càng cao, tần suất càng dày.
GS Mai Trọng Khoa cho biết, 5 chất chỉ điểm phổ biến hiện tại là CEA, ProGRP, NSE, Cyfra 21-1 và SCC, được xét nghiệm dựa trên mẫu máu của bệnh nhân.
Nếu cơ thể bình thường, nồng độ thấp thì khi có khối u ác tính sẽ tăng cao bất thường. Nếu lên tới hàng nghìn lần, chắc chắn bệnh nhân đã mắc ung thư.
“Phương pháp này cho độ chính xác đến 80%. 20% nghi ngờ sẽ test lại sau 1 tháng để chắc chắn. Đây là phương pháp sàng lọc ung thư phổi rẻ tiền, cho kết quả chính xác, cùng với thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp phát hiện sớm ung thư phổi”, GS Khoa chia sẻ.
Hiện, tất cả các bệnh viện tuyến trung ương, hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh và nhiều labo xét nghiệm đều có thể làm được chỉ dấu này, tuy nhiên, cộng đồng ít người biết.
Ngoài ý nghĩa giúp phát hiện sớm nhiều loại ung thư, việc dùng các chất chỉ điểm cũng giúp bác sĩ theo dõi tái phát sau điều trị, đánh giá hiệu quả điều trị một cách chính xác.
>>> Đọc thêm: Kết quả rõ ràng: Điện thoại di động không gây ra ung thư
Video: Bị ung thư phổi di căn toàn thân đã 5 năm, bác sỹ vẫn sống khỏe
Nguồn: Vietnamnet
Bình Luận
0 Komentar untuk "Cứ 1 phút lại có 3 người chết vì căn bệnh ung thư này"