Thông thường, độ tuổi dậy thì của bé gái sẽ là 8 - 13 tuổi, còn ở bé trai là 9 - 14 tuổi, nếu trẻ dậy thì trước mức tuổi đó thì được gọi là dậy thì sớm, còn sau tuổi đó thì là dậy thì muộn.
Tuy nhiên, với mặt bằng phát triển hiện nay thì trẻ đang có xu hướng dậy thì sớm. Cá biệt, có những trẻ dậy thì từ khi còn rất nhỏ tuổi, gây ra rất nhiều nỗi lo lắng và bất an cho các bậc cha mẹ.
Dậy thì từ khi còn đang... tập nói
Theo báo cáo của các bệnh viện có Khoa nhi ở TP.HCM, trường hợp trẻ em dậy thì sớm không phải là chuyện hiếm. Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM từng tiếp nhận những bé gái chỉ mới 2 - 3 tuổi đã có những dấu hiệu của dậy thì như chảy máu kinh, vỡ giọng, tuyến ngực phát triển bất thường...
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, độ tuổi dậy thì trung bình của trẻ đã sớm hơn rất nhiều so với khoảng 10 - 20 năm trước. Nếu như trước đây, độ tuổi dậy thì trung bình của bé gái là 13 tuổi, bé trai là 14 tuổi thì bây giờ đã rút xuống còn 8 tuổi ở bé gái và 9 tuổi ở bé trai.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ càng ngày càng dậy thì sớm như chế độ dinh dưỡng, luyện tập, gen di truyền... Việc trẻ dậy thì từ 8, 9 tuổi cũng được coi là dậy thì sớm, tuy nhiên không có gì đáng phải lo ngại, PGS.TS Dũng cho biết thêm.
Đối với nhiều bé còn đang trong tuổi ăn, tuổi ngủ, dậy thì sớm có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, làm xáo trộn cuộc sống sinh hoạt thường ngày và khiến cho trẻ có những bất ổn về tâm lý.
Theo ý kiến của nhiều cha mẹ, việc con cái dậy thì sớm khiến cho họ vô cùng lo lắng và bất an.
Với những phụ huynh có con gái dậy thì sớm, mới vài tuổi, cơ thể đã lớn phổng phao, có da có thịt, xuất hiện cả lông mu, tuyến ngực phát triển không khác gì thiếu nữ đã trưởng thành, họ luôn lo lắng rằng con gái mình sẽ có nhiều nguy cơ bị soi mói, lạm dụng hay xâm hại bởi họ không thể để mắt và bảo vệ con liên tục được.
Nhiều phụ huynh than thở, con gái được 3,4 tuổi đã dậy thì, các bộ phận cơ thể người còn chưa nhớ được tên hết, ấy vậy, mỗi lần con gái thắc mắc về cơ thể, vì sao con lại không giống các bạn... là cha mẹ lại bối rối không biết phải giải đáp ra sao.
Chưa kể, dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của các bé. Rất nhiều bé khi thấy cơ thể của mình phát triển khác lạ so với các bạn cùng trang lứa thì trở nên vô cùng xấu hổ, ngại ngùng, tự ti khi giao tiếp với người xung quanh.
Nhiều bé dậy thì sớm thì bị xao nhãng việc học hành, yêu đương sớm. Nguy hiểm hơn, sự tò mò với cơ thể còn khiến cho các bé dễ bị dụ dỗ, dẫn dắt vào con đường sai lầm, gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Chính vì vậy, nhiều cha mẹ đã rỉ tai nhau tiêm cho bé hormone "ngừng lớn" để ngăn chặn sự phát triển này.
Tiêm hormone cho trẻ, nguy hại khôn lường
Theo các chuyên gia, đây là những nỗi lo rất chính đáng. Tuy nhiên, việc cha mẹ tự ý tìm mua thuốc hormone để tiêm cho các bé mà không có sự chỉ dẫn của bác sỹ là điều vô cùng nguy hiểm.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu dậy thì sớm, cha mẹ cần đưa bé tới các bệnh viện để kiểm tra nguyên nhân chính xác.
Có rất nhiều cha mẹ lầm tưởng những triệu chứng khác lạ của con là dậy thì sớm. Vậy nên, họ bắt đầu lên mạng tìm mua các loại hormone ức chế tăng trưởng để về tiêm cho con.
Các loại hormone này được quảng cáo là có thể giúp ngăn chặn sự phát triển sớm của trẻ, tăng chiều cao sau này, làm kinh nguyệt hết dần rồi tắt hẳn. Sau 2 - 3 năm, trẻ dừng thuốc, nội tiết tố trong cơ thể của trẻ sẽ trở lại bình thường và trẻ lại tiếp tục phát triển như những đứa trẻ khác.
Theo các bác sỹ, việc tiêm hormone cho trẻ có thể mang lại những lợi ích tức thì như chúng sẽ giúp hạn chế sự phát triển của trẻ như tuyến vú, lông mu vùng kín, kinh nguyệt... Điều này sẽ giúp cho các bé tập trung vào việc học, không bị xao nhãng, đồng thời tránh được nguy cơ bị xâm hại khi còn nhỏ tuổi.
Tuy nhiên, việc sử dụng hormone phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn và chỉ định của bác sỹ. Đối với mỗi trẻ em khác nhau, các bác sỹ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe cơ thể của riêng từng bé, từ đó mới đưa ra những lời khuyên phù hợp về những mặt lợi, hại của việc tiêm hormone để cha mẹ cân nhắc.
Hormone ức chế tăng trưởng có thể đem lại tác dụng ngay lập tức cho trẻ em, tuy nhiên, về lâu về dài, chúng cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm, trong đó, ảnh hưởng nhất đó là sự rối loạn nội tiết tố bên trong cơ thể và tình trạng lão hóa khi về già. Ngoài ra, kinh phí điều trị cũng không phải là một khoản nhỏ nên cha mẹ cần hết sức lưu ý.
Có rất nhiều trường hợp, bác sỹ kiểm tra và thấy rằng, dù trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm nhưng không cần thiết phải tiêm hormone, bởi nó có thể ảnh hưởng đến quá trình dậy thì cũng như sự phát triển sau này của trẻ.
Do đó, các bác sỹ khuyến cáo, cha mẹ không được phép tự ý tiêm hormone cho con khi chưa có sự đồng ý và hướng dẫn của các chuyên gia, bác sỹ có chuyên môn.
>>> Đọc thêm: Hoảng hồn thiếu nữ 20 tuổi chưa chồng bỗng dưng tiết sữa non
Video: Indonesia trừng phạt những kẻ ấu dâm bằng cách... tiêm hormone nữ
Quỳnh Chi (Tổng hợp)
Bình Luận
0 Komentar untuk "Cha mẹ hoảng hồn vì con trẻ 2-3 tuổi đã vỡ giọng, ngực như thiếu nữ"